Print (Ctrl+P)

TẤM GƯƠNG HIẾU THẢO

Chúng ta dễ dàng thấy có nhiều sáng tác văn học cổ kim xây dựng hình tượng người con hiếu tuy nhiên có những trường hợp rất đặc biệt. Chúng tôi muốn nói tới ba trường hợp như vậy đó là Chử Đồng Tử, Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn.

Người con hiếu Chử Đồng Tử đã trái lời cha nhưng được ngợi ca là người con chí hiếu khi đóng khố cho cha rồi mới chôn. Phải trong hoàn cảnh cùng cực của thân phận, trong sự lựa chọn như thế phẩm chất người con hiếu mới được bộc lộ trọn vẹn. Thông thường thì nghe lời cha làm theo ý cha mẹ là ngoan. Cái lí thì như vậy nhưng nếu chúng ta nhất nhất máy móc thì chỉ chỉ có ... lên phường. Ở gia đình, khi nói đến tình cảm chúng ta thấy từ đạo lý. Cha con anh em vợ chồng là những mối quan hệ mà không phải lúc nào chúng ta cũng dùng lý để phân định đúng sai hay phân vị cao thấp. Sự hy sinh cho nhau là không thể tính đếm và khi đã tình đếm thì không còn gì là đạo vợ chồng hay tình cha con anh em nữa. Cái hay của truyện là sau hành động chí hiếu tấy các tác giả dân gian để câu chuyện đi theo một trường hợp vô cùng có hậu:ChửnĐồng tử gặp và lấy công chúa Tiên Dung. Các tác giả như muốn khẳng định: người con hiếu là người có thể có được tình yêu lớn. Chúng tôi gọi là tình yêu lớn vì tình yêu đó đến được hôn nhân dù không có điều kiện nào thuận lợi. Chàng trai thì nghèo cô công chúa thì nguyện không lấy chồng vua cha thì hết sức ngăn cấm.

          Ở trường hợp của Nguyễn Trãi thì có khác: Nguyễn Trãi đã nghe lời cha. Khi giặc Minh xâm lược nước ta chúng bắt và đưa các quan làm quan dưới triều nhà Hồ về Trung Quốc hay tin Nguyễn Trãi đã tìm đến đi theo quan tâm chăm sóc cha. Trong lòng còn cả suy nghĩ nếu có trường hợp xấu thì mang xác cha trở về. Cha Nguyễn Trãi biết Nguyễn Trãi là người con hiếu nhưng mong Nguyễn Trãi là người đại hiếu nên nhân lúc thuận lời ông nói với con: “Con là người có học có tại con phải quay về tìm cách rửa nhục cho nước trả thù cho cha như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ lẽo đẽo theo ta như một mụ đàn bà thì mới là con hiếu hay sao”. Gạt nước mắt, gạt tình riêng, đặt chữ Trung lên trên chữ Hiếu, Nguyễn Trãi đã quay về sau đó theo Lê Lợi dâng cho chủ tướng cuốn “Bình Ngô sách” nghĩa là kế sách để đánh đuổi trừ diệt bọn giặc Minh. Với đóng góp lớn của một người quân sư, chúng ta đã chiến thắng giặc Minh có một giai đoạn mới trong lịch sử. Ở đây chúng ta thấy người con hiếu có thể có sức mạnh để từ đó có thể tạo dựng được sự nghiệp lớn.

          Trường hợp Trần Quốc Tuấn là khó xử hơn cả: cha có mâu thuẫn lớn với vua bản thân không thể tự giải quyết nên âm thầm tìm thầy giỏi văn cùng thầy giỏi võ về dạy cho Trần Quốc Tuấn. Khi sắp mất cầm tay Trần Quốc Tuấn mà nói: “Con mà không vì ta lấy được thiên hạ thì ở dưới suối vàng ta cũng không nhắm được mắt”. Đây là một di nguyện làm Trần Quốc Tuấn suy nghĩ nhiều. Làm theo lời cha hay trái lời cha, làm con hiếu hay làm tôi trung? Bản thân khi cha nói vậy ông ghi để trong lòng nhưng không cho là phải. Ngay từ đầu ông đã có chủ ý. Sau này ông có hỏi ý kiến hai gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng họ nói làm cách ấy phú quý một thời nhơ để ngàn năm ông rất vui. Ông cũng hỏi hai con khi nghe người con cả nói dẫu khác họ cũng không nên huống hồ cùng họ ông rất vui. Ngược lại người con thứ khi được hỏi liền nói tống thái tử là ông già áo vải thừa cơ dấy vận mà có được thiên hạ ông vô cùng tức giận rút gươm kể tội định giết: “Kẻ loạn thần chính từ đứa con bất hiếu mà ra”. Khi người anh xin cho em ông tha nhưng nói: “Khi ta chết đậy nắp quan tài rồi mới cho vào viếng”. Câu nói chứng tỏ ông cho sống nhưng không cho là con nữa. Chính vì đặt chữ trung lên trên chữ hiếu, lợi ích chung trên lợi ích riêng mà ông được ngợi ca hết mực để lại tiếng thơm muôn đời.

          Chử Đồng Tử, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn chính là những tấm gương hiếu thảo. Từ những tình huống cụ thể gắn với những nhân vật lịch sử hay những nhân vật văn học như trên chúng ta có được những bài học thật đáng quý. Và chúng tôi nghĩ chỉ có  những người con hiếu thảo sau này mới có thể trở thành những công dân tử tế. Chỉ có những công dân tử tế mới có thể có được hạnh phúc đích thực, làm nên sự nghiệp lớn và để lại tiếng thơm muôn đời. 

Văn phòng
Trường