Nguyễn Công Trứ trong “Bài ca ngất ngưởng” tự thuật về cuộc đời mình là người như thế. Đọc lại bài thơ chúng ta sẽ có đủ câu trả lời cho câu hỏi tổng hợp: người thành công cần có những yếu tố nào?
Đó trước hết là người có lý tưởng sống cao đẹp. Đó không phải kiểu người hèn yếu trong ca dao hài hước: “Làm trai cho đáng nên trai - Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng ” hay người đàn ông quẩn quanh: “Chồng người đi ngược về xuôi - Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”. Lý tưởng sống của Nguyễn Công Trứ gắn với tư tưởng Nho giáo hướng tới công danh, cả đời tập trung làm những việc lớn để lại sự nghiệp, làm những việc tốt để lại tiếng thơm. Nên khi mở đầu bài thơ có ý nghĩa như một bản tổng kết về cuộc đời mình ông đã khẳng định “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” nghĩa là trong trời đất này các việc đều thuộc phận sự của ta. Ông cũng tự tin nói về mình “ông Hi Văn” đây là sự khác biệt với đa số người cùng thời ông khi giấu mình trong cái ta chung, trong cái vỏ hoặc là “hạ thần” hoặc thấp hơn nữa là “thảo dân”.
Cùng với ý thức về cá nhân là ý thức về tài năng và vai trò trách nhiệm của cá nhân với thời đại mình sống: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Ông đã xác định đúng cả khi là con người cá nhân và khi là con người công dân. Con người cá nhân tài năng, có thể yêu tự do nhưng không phải và không thể là tự do vô lối. “Vào lồng” là những trải nghiệm về những quy định trói buộc mà ông đã đi qua. Cuối bài thơ ông tự hào khẳng định “Trong triều ai ngất ngưởng như ông” bởi một phần do ông một lòng trước sau là tôi trung “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”, luôn là người hiền mà “người hiền át làm sứ giả cho thiên tử”.
Cái quan trọng nhất với người thành công là thực tài. Cả quãng đời làm quan ông đã thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực. “Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông - Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng - Lúc bình Tây cờ đại tướng - Có khi về phủ doãn Thừa Thiên”. Thù trong hay giặc ngoài, việc triều chính hay đánh dẹp biên ải, quân sự hay chính trị thậm chí kinh tế gắn với việc trồng cây đắp đê khai hoang lấn biển ông đều làm tốt, đã từng ở vị trí cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông hiện ra như người đàn ông đáng mơ ước: “Làm trai cho đáng nên trai - Xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài yên”, đạt tới những mức nấc cuối cùng trong hướng đi của một trí thức phong kiến thành công “trị quốc bình thiên hạ”.
Người có thực tài có thể bị ngáng trở, chẳng thể thành công nếu nặng nề tư lợi. Nguyễn Công Trứ không như vậy. Ông không màng danh lợi, không nặng nề tư lợi, một lòng vì dân vì nước. “Đô môn giải tổ chi niên - Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”. Khi về hưu là khi ông thể hiện rõ mình là một vị quan thanh liêm. Không ồn ào cờ giong trống mở, không ngựa xe đón rước, chẳng ngại ngượng khi bình dị độc lạ cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa, không long trọng trong lễ vinh quy bái tổ, biết thừa dân gian sẽ thị phi. Biết rõ người không làm sẽ hay nói ông treo nơi đuôi bò cái mo cau như nhắn nhủ: này các vị bớt nói đi, nói mà chưa làm hoặc không làm thì nghe chối lắm, “thối lắm”. Tư tưởng của ông cũng như tư tưởng của những người thành công nổi tiếng khác luôn coi trọng thực lực, thực tế. Có lẽ không phải tự nhiên câu “Lí thuyết mầu xám chỉ có cây đời mãi xanh tươi” trở thành câu danh ngôn nổi tiếng vậy.
Người thành công còn là người không vướng tục, vượt lên trên lẽ thường. Về hưu rồi Nguyễn Công Trứ thích loại hình nghệ thuật hát ả đào, hay đến chùa và khi đi chùa lại đi cùng những cô gái trẻ. Ông uống rượu nhưng uống rượu không phải để giải sầu, đi chùa không phải để cầu xin, đi cùng các cô gái trẻ không phải vì quan hệ nam nữ tùy tiện. Người thành công đã có lối đi riêng. Bụt cười và ông tự khẳng định “không vướng tục” là vì vậy. Khi làm quan thì tận hiến còn khi về hưu thì tận hưởng nhưng dù có hưởng thụ, dù rất yêu thích tự do, sống vô cùng phóng khoáng nhưng ông luôn giữ được mình, không đánh mất mình, không lạc lối.
Nguời thành công chắc chắn là người thái thượng, nghĩa là người thông thái bậc nhất, như ông già trong điển cố ông già mất ngựa. Người ta thường thích được sợ mất thích khen không muốn bị chê. Như thế là toan tính ích kỷ chỉ nghĩ cho mình và khi chỉ nghĩ cho mình là khi chúng ta bị cái tôi chủ quan lấn át. Mọi việc trong đời luôn có lí do để từ đó tạo nên kết quả hay hậu quả. Nhận thức rõ như thế Nguyễn Công Trứ trước được mất khen chê nhẹ nhàng đón nhận, đi trong dư luận đón nhận thị phi được mất luôn dễ chịu phơi phới như đi giữa trời xuân trong gió xuân.
Nguyễn Trãi là nhà nho ưu tú ở giai đoạn chế độ phong kiến phát triển hay Nguyễn Công Trứ là nhà nho tài tử ở giai đoạn chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng là những người đặc biệt thành công. Họ là những người khổng lồ, những nhân vật kiệt xuất, luôn là niềm tự hào của các thế hệ người Việt chúng ta.