“Mình chẳng muốn học hành gì cả, vì có học giỏi đi nữa thì cũng chẳng để làm gì... mình không thể học tiếp lên Đại học. Mình còn phải chăm sóc mẹ và dành tiền lo cho em, số phận đã định cho mình không thể tốt được!”
Em biết ơn cô Trần Thị Trang Nhung, người đã hết lòng giúp đỡ em cả về vật chất và tinh thần, đánh thức cái gọi là bản lĩnh và trách nhiệm của một trang nam nhi từ trong sâu thẳm cậu bé học sinh nghèo để em biết mình phải nghị lực, phải vươn lên để có thể gánh vác cho gia đình chăm sóc cho mẹ, lo được cho em. Không có cô cho em niềm tin - niềm vui vào cuộc sống, vào tình cảm đùm bọc giữa con người với con người, có lẽ em sẽ đắm chìm vào những ngày tăm tối vì hờn trách số phận, chán ghét cuộc sống mà bỏ học, buông xuôi.
Triệu vẫn nhớ ngày đó, ngày đầu tiên em gặp cô. Chiều hôm ấy, em có lịch học nhưng trên đường đi học bỗng trời mưa tầm tã mãi không thấy tạnh. Mấy đứa bạn hồi cấp 2 đã bỏ học thấy Triệu ướt nhẹp, co ro dưới mái hiên đã kích bác em: Mày học hành để làm gì, bố mày chết rồi, mẹ mày thì đang điên dại, mày đi học được mấy hôm nữa… mày đi học là ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình đấy! Thế là với tâm trạng buồn chán, em đã theo chúng nó vào quán Net và ngồi cày game cho quên đi những buồn tủi.
Rồi không hiểu thế nào mà lúc chập tối, ông nội và cô lại xuất hiện trong quán Net. Ông và cô đều ướt mưa, dáng tất tả, nhìn thấy em ánh mắt cả hai người đều như sáng lên niềm vui rồi lại thoảng chút buồn. Cô hỏi: Là Triệu hả em? Em về với ông đi em, cả nhà đang chờ em về đấy. Về, mai nhớ đi học em nhé! Rồi khi ông và em đang lấy cặp sách để về, cô đã ra thanh toán tiền Net, không quên cảm ơn chủ quán vì đã cho Triệu trú mưa vui vẻ.
Trên đường về, ông nội mới nói cho em rõ, do mãi không thấy cháu đi học về, lo mưa gió có khi cháu ngã ở đâu đó, nên ông đi tìm, hỏi khắp không biết nên ông lên trường tìm. Ở trường, ông gặp cô Nhung đang chỉ dạy cho một nhóm học sinh. Nghe ông kể sự việc, cô đã cùng ông đi tìm Triệu, may có bạn nói nhìn thấy em đi với mấy người nữa vào quán Net nên mới biết.
Đình Triệu, một học sinh bé nhất lớp, lúc nào cũng thu mình một chỗ, nhút nhát, mặt buồn buồn, tự ti, ít nói, ít cười. Từ khi bố mất, mẹ bệnh, mấy lần em định nghỉ học để không phải làm phiền đến anh em họ hàng vất vả cưu mang. Nhưng ông nội em không cho, bảo em bé như cái kẹo, làm được gì bây giờ, cứ học hết cấp 3 rồi hẵng hay. Thế nên em cứ đi học thôi, hứng thì học, không học em lại cày game cho đỡ buồn, chứ cũng không dám nghĩ gì hơn.
Từ ngày gặp cô Nhung, rồi học Toán lớp cô dạy, biết cô đã rõ hoàn cảnh của mình mà vẫn tin tưởng, quan tâm và dành cả tấm lòng giúp đỡ, Triệu đã mở lòng hơn đối với cô. Em đã nói chuyện cũng như chia sẻ những khúc mắc trong học tập, thậm chí là trong suy nghĩ của em về cuộc sống với cô. Điều lạ này được đứa bạn thân lí giải: “mày với cô Nhung có nhiều điểm tương đồng, cũng vóc dáng nhỏ con, trầm tính mà sâu sắc, cùng đam mê môn Toán…, chắc cô quý”. Ông em thì bảo, cô ấy có tài và có cái tâm tốt, cô thương con nên con thấy gần gũi thôi.
Cô Nhung ít nói, rất giản dị, chân thành, hiền hơn cả ông Bụt trong truyện cổ tích. Trong việc dạy học thì em chưa thấy ai đem kiến thức Toán học đến với người học 1 cách đơn giản, cẩn thận mà dễ hiểu đến mức như thế. Ở trường, thầy cô rất hay ca ngợi cô vì sự tận tụy với nghề, vì sự hết mình với công việc và học sinh. Các bạn của Triệu thì bảo nhau, ai được cô Nhung dạy sẽ không sợ môn Toán. Triệu cũng rất khâm phục cô, cô có cách dạy Toán rất nhẹ nhàng khiến các con số và cách tính hiện ra như một quy luật dễ hiểu. Em khen cô thì cô lại bảo, là do Triệu thông minh đấy, chứ vấn đề đấy nó như thế thôi. Cô vận động em tham gia đội tuyển học sinh giỏi, em tự ti nên hốt hoảng từ chối: Em mà giỏi gì cô?
Ấy thế nhưng không hiểu vì đam mê của em với bộ môn, hay sự cuốn hút cô tạo ra để khiến em muốn chinh phục, chứng tỏ bản thân, hay là bởi em không muốn phụ lòng cô mà cuối cùng em đã vào đội Toán. Ngày tháng miệt mài cho ôn thi, sáng học chính khóa, chiều ôn đội tuyển, tối với đống bài tập. Chuỗi ngày vất vả ôn luyện cô luôn bên cạnh dạy bảo và động viên ân cần. Biết hoàn cảnh em, cô đã hỗ trợ em và gia đình nhiều thứ: tiền bạc, những món quà là giày dép, quần áo...để em yên tâm học tập.
Có lẽ chính sự tận tụy và niềm tin yêu cô đặt vào Triệu đã khiến em có thể cởi bỏ lớp vỏ bọc nhút nhát, tự ti, sợ sệt mà trước đến nay em vẫn luôn dùng nó để tự vệ. Hàng ngày, sau mỗi buổi học, cô đều ở lại, mấy cô trò đội tuyển cặm cụi giải Toán. Những bài toán khó, Triệu thường là người giải được sớm nhất hoặc có ý tưởng cách giải hay nhất. Ánh mắt vui của cô và sự ngưỡng mộ của các bạn khi nhìn em khiến em tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Cô động viên em từng ngày, coi em như một người bạn, một “học sinh cưng” nên em bắt đầu học tập tiến bộ. Nếu như trước đây kết quả học tập các môn của em luôn ở nhóm cuối, thái độ học uể oải, thụ động thì ở lớp 11, 12 em luôn vui vẻ, cố gắng, thành tích học các bộ môn luôn đứng thứ nhất, thứ nhì trong lớp, trong khối. Đặc biệt, trong kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh năm học 2018 - 2019, em đạt giải Khuyến khích môn Toán, một điều mà học sinh của Nhà trường từ trước đến nay khó làm được.
Nhưng khi được cô hỏi sau này Triệu dự định như thế nào? Em thích làm nghề gì? Thích học trường nào? Em thường lảng tránh mà không trả lời, em biết cô đang muốn em cố gắng để thi và đỗ Đại học, nhưng em lại nghĩ đến gia cảnh nhà mình nên chưa một lần nghĩ mình sẽ đi học ĐH mặc dù em rất thích ra thủ đô, thích được là sinh viên. Hiểu được suy nghĩ của em, cô vẫn ngày ngày bên cạnh, động viên em học hành thi cử.
Nhờ cô luôn động viên và khơi dậy trong em ý thức vượt khó để thoát nghèo, em đã mạnh dạn hơn trong ước mơ để tìm kiếm tương lai. Sau khi thi Đại học và đỗ với số điểm tương đối cao 24,5 điểm, nhờ có cô chỉ bảo, em và ông nội đã mạnh dạn đi tìm các nhà hảo tâm để kêu gọi sự trợ giúp. Với sự nỗ lực của bản thân em và nhờ những tấm lòng hảo tâm cưu mang của những tổ chức, cá nhân mà hiện tại em đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Thương mại, khoa Quản trị kinh doanh. Dương Đình Triệu không quên lời dặn của cô Nhung, vì hoàn cảnh khó khăn của mình, em luôn cố gắng hơn người khác, nỗ lực hơn người khác. Kết quả của 3 năm học qua, em luôn nhận được học bổng và sự hỗ trợ của trường Đại học. Với Triệu, cô Nhung là người mẹ thứ hai của em.
Đào Thị Hồng Vỹ
GV môn Lịch sử trường THPT Hiệp Hòa số 4