Print (Ctrl+P)

Người cho em tương lai

Những dấu ấn khó phai đối với những học sinh ....
Cứ mỗi lần tháng 11 về là Nhung lại nhớ đến cô. Nhớ ánh mắt dịu hiền, nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, và đặc biệt là cái ôm nhẹ nhàng mà rất đỗi ấm áp khi em buồn rơi lệ. Người ta không thể sống thiếu kỷ niệm và với Nhung, em không thể quên những kỉ niệm của thời học sinh, những kỉ niệm bên cô Nhinh trong suốt 2 năm học cuối cấp 3.

Nhung vẫn nhớ ngày đó, ngày đầu tiên cô đến nhà em. Hôm ấy mưa rào đến nhanh, em đang thui thủi một mình khó khăn nhấc đôi dép đứt quai bước qua những cọng rơm khô. Mưa đến bất chợt làm em nhớ đến chỗ thóc mà sáng nay hai chị em phơi. Tất bật cầm vội đôi dép lên tay, em cắm cổ chạy nhanh về nhà. Bất chợt có tiếng xe máy phóng tới và tiếng gọi: “Em ơi, em ơi, dừng lại cô bảo!”

Nhung quay đầu dừng lại, cô giáo trên xe bước xuống quàng nhanh cho em mảnh áo mưa, rồi như bị thôi miên, Nhung ngồi lên xe cô, hai cô trò về nhà.

Cảnh đập vào mắt hai cô trò lúc này là một người phụ nữ luống tuổi đang cười nói tắm mưa, thi thoảng còn lấy tay vạch nguệch ngoạc như viết gì trên sân thóc ướt. Nhung không có thời gian để xấu hổ hay giải thích gì với cô dù thoáng thấy cô đứng ngẩn người ngơ ngác. Em dắt mẹ vào ngồi ở thềm rồi vội lấy cào, cào thóc lại. Sau đó em lấy bạt che lên đống thóc và đưa mẹ đi thay quần áo. Xong việc, em mời cô vào nhà. Lúc này, cô đang đưa mấy bộ quần áo vào hộ em, dọn dẹp để không bị ướt một số vật dụng cần thiết.

Từ ngày đó, cô trò thân thiết gắn bó hơn. Nhung vui vì cô hiểu hoàn cảnh của em, cô thương em bằng tấm lòng chân thành chứ không phải sự thương hại. Cô cho em thấy giá trị của bản thân em, cô bảo Nhung: “với hoàn cảnh éo le như em (bố mất sớm, mẹ em bị tâm thần không ổn định, không có khả năng lao động, nhà vẫn còn em trai nhỏ) thì chỉ có cách duy nhất để thoát nghèo là em phải nỗ lực học tập. Cô nhận thấy em học tốt và có thể vươn lên!”. Cô động viên em để em không chìm trong mặc cảm tự ti, khiến em bỏ đi suy nghĩ có học giỏi thì cũng chẳng để làm gì. Để em hiểu rằng nếu thương mẹ, muốn chăm sóc mẹ và lo được cho em trai thì sự nỗ lực của em là cứu cánh cho gia đình. Cô cũng đã hết lòng giúp đỡ em, cho em quần áo, sách vở, sinh hoạt phí và thường xuyên động viên em đến trường. Không có cô cho em niềm vui - niềm tin vào cuộc sống, vào tình cảm đùm bọc mang hơi ấm của người mẹ, người Thầy, có lẽ em sẽ đắm chìm vào những ngày tăm tối vì hờn trách số phận, chán ghét cuộc sống mà bỏ học, buông xuôi.

Ngoài những lúc gặp nhau ở trường, ở lớp, cô còn đến nhà em vào những buổi chiều, giúp em những công việc trong gia đình, trò chuyện và chỉ bảo em học tập. Cũng từ khi cô coi Nhung như một người bạn, người cô giáo yêu thương, em bắt đầu học tập tiến bộ. Nếu như trước đây kết quả học tập của em luôn ở nhóm cuối, thái độ học uể oải, thụ động. Thì ở lớp 12 này, em luôn vui vẻ, cố gắng, thành tích học các bộ môn luôn đứng thứ nhất, thứ nhì trong lớp, trong khối.

Nhưng khi được cô hỏi Nhung sau này thích làm nghề gì? Thích học trường nào? Nhung thường lảng tránh mà không trả lời, em biết cô đang muốn em cố gắng để thi và đỗ Đại học, nhưng em luôn tự ti và chưa một lần nghĩ mình sẽ học lên mặc dù em rất thích ra thủ đô, thích được là sinh viên.

- Nhung vào đội tuyển thi học sinh giỏi Địa nhé! Đó là câu cô hỏi em khi đang trong tiết học. Em cúi mặt và định từ chối giống như đã làm với các bộ môn khác, nhưng tiếng vỗ tay của các bạn và khi nhìn vào ánh mắt, nụ cười khuyến khích của cô, em đã không thể từ chối mà nói: “vâng”.

Rồi ngày tháng miệt mài cho ôn thi bắt đầu, sáng học chính khóa, chiều ôn đội tuyển, tối với đống bài tập. Chuỗi ngày vất vả ôn luyện cứ như thế lặp đi lặp lại. Nhung bảo với các bạn học nhiều như thế nhưng không mệt. Ấy thế nhưng dạo gần đây, buổi chiều em thường nghỉ học đội tuyển. Cô hỏi, Nhung chỉ gãi đầu vừa cười vừa nói: “Em xin lỗi, tại em ngủ quên!”

Thế mà cô biết không phải Nhung ngủ quên mà em nghỉ học để đi cấy, đi nhổ lạc, đi rửa rau cần, đi gặt lúa... làm thuê kiếm thêm tiền. Cô không trách em, những buổi như thế, tối đến cô lại ghé nhà em. Trong gian nhà nhỏ ba gian lợp bờ lô dột nát, cô dạy em những kiến thức mà buổi đó em không được học. Cô còn mang cho gia đình em nào mắm muối, trứng, cá, bưởi, táo... nào những vật dụng sinh hoạt cho cả nhà như: quần áo, giày dép, bát đũa, cốc chén... Cô toàn bảo, của nhà cô, của cô được cho, nhiều quá, không dùng hết.

Ngày Nhung thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô chỉ nói với em, thi học sinh giỏi tỉnh em còn được giải Nhì, thì kì thi này có gì là khó! Đúng như cô nói, Nhung đỗ ĐH với kết quả khối C00 là 24,75 điểm. Điều này đối với nhiều học sinh, nhiều phụ huynh sẽ vui lắm, có gia đình còn làm mấy mâm cỗ để khao cả xóm ăm mừng cho con. Nhưng Nhung trầm tư, em để giấy báo điểm xuống dưới kệ sách rồi lại lủi thủi với công việc dọn dẹp trong nhà. Nhà không có Nhung lúc nào cũng bừa bộn. Miên man dòng suy nghĩ và bận bịu với công việc bỗng em giật mình khi nhìn thấy cô. Nhìn bóng dáng thân quen của cô có phần gầy đi, em vừa thấy thân thương vừa chạnh buồn mà rơi nước mắt:

- Cô đến có việc gì ạ?

- Cô đến tìm bình yên đây!

Rồi cô hỏi han, chuyện trò. Cô kể về cuộc sống khó khăn trước đây của cô, kể về cuộc sống sinh viên, kể về những học sinh cũ... Cô nói nhiều lắm, Nhung chỉ nhớ cô đã động viên em bằng nhiều cách trong đó cô đã tìm và giới thiệu cho em Qũy học bổng “Thắp sáng niềm tin” nhằm hỗ trợ em, rồi cô lo cho em cả những khoản tiền đầu tiên để nhập học, sắm sanh các thứ cho cuộc sống xa nhà ... để hôm nay đây Nhung đã tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khoa Du lịch, trở thành hướng dẫn viên du lịch. Em vẫn nhớ lời cô, luôn tìm và tạo cho mình những cơ hội để học và cố gắng mỗi ngày.

 Hôm nay, sau tua du lịch cùng công ty đưa hành khách đi khắp nơi trên đất nước bằng những kiến thức Địa lí cô dạy, Nhung sắp sửa những đồ dùng cần thiết chuẩn bị về quê nghỉ phép với mẹ và em trai một thời gian. Nếu việc đồng áng xong, mẹ và em trai vẫn khỏe thì Nhung định sẽ tham gia Câu lạc bộ tình nguyện cùng bạn bè lên vùng cao. Con đường ngày mùa trải đầy rơm khô. Nhung không thấy nóng bức khó chịu mà cảm thấy không khí thoáng mát, thơm vị nắng, ấm vị tình. Những cọng rơm vàng óng vướng vào chân em như đang quấn quýt, vui mừng vì em đã trở về.

Hiện ra trước mắt em sau cánh cổng là ngôi nhà nhỏ xinh, khang trang, sạch sẽ ghi ba chữ “Nhà tình nghĩa”. Trước sân nhà, mẹ và em trai đang vui vẻ phơi thóc. Thấy em, em trai chạy ra ôm lấy Nhung, còn mẹ lại chạy ra sau vườn, nhưng cả hai đều reo lên “Nhung về!”. Lát sau, em thấy mẹ dắt theo cô đi vào. Chao ôi! Nhung nghẹn ngào thốt lên: Cô ạ?! Rồi những giọt nước mắt vui sướng cứ trào ra...

Phải chăng vì được xóm làng xây cho nhà tình nghĩa khang trang, hay phải chăng vì vẫn có cô thường xuyên đến nhà giúp đỡ công việc, chuyện trò với mẹ, chăm sóc dạy bảo em trai, mà sức khoẻ mẹ tốt hơn, không lên bệnh nhiều như trước?! Hạnh phúc và bình yên mà lúc này Nhung có được, Nhung biết có công lao to lớn của cô - Người mẹ thứ hai đã cho em tương lai hôm nay.

 Tác giả: Đào Thị Hồng Vỹ

(Ghi theo lời kể của em HS Nguyễn Thị Nhung)

 II- THÔNG TIN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM

1- Cô giáo Ngô Thị Nhinh – giáo viên giảng dạy môn Địa lí, trường THPT Hiệp Hòa số 4, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Cô là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, người luôn tâm huyết với nghề và tận tụy, thương yêu học sinh. Cô thường được giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và luôn có nhiều em đạt thành tích cao trong các kì thi. Cô là người đã hết lòng dạy bảo em Nguyễn Thị Nhung trong học tập và giúp đỡ em trong cuộc sống khó khăn.

2- Em học sinh: Nguyễn Thị Nhung, cựu học sinh trường THPT Hiệp Hòa số 4, niên khóa 2017- 2020.                                          

Hoàn cảnh: Trong 3 năm học cấp 3, Nhung là 1 học sinh thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị mắc phải căn bệnh tâm thần, sức khỏe không ổn định, khả năng lao động hạn chế, một mình nuôi Nhung và em trai ăn học.

Gia đình Nhung lúc đó sống và sinh hoạt ở 1 căn nhà ba gian nho nhỏ, lợp ngói bờ lô, mùa hè nóng bức, ngày mưa dột nặng, ăn uống đạm bạc, bữa đói bữa no. Hàng ngày, sau những giờ học trên lớp và vào những buổi được nghỉ học, Nhung lại tranh thủ đi rửa rau cần thuê, khi thì đi cấy, đi gặt lúa, đi nhổ lạc thuê để kiếm thêm thu nhập giúp mẹ. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ, sự động viên ân cần từ nhiều phía, nhất là các thầy cô giáo trường THPT Hiệp Hòa số 4- các thầy cô luôn hỗ trợ, khích lệ Nhung trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt là cô Ngô Thị Nhinh- giáo viên dạy đội tuyển HSG môn Địa Lí đã luôn bên cạnh động viên, bảo ban Nhung học tập, nhờ vậy mà Nhung đã đạt được giải Nhì cấp Tỉnh môn Địa lí năm lớp 12 năm học 2019 - 2020.

Cô Nhinh không chỉ đồng hành cùng Nhung trong việc học tập mà trong cuộc sống cô cũng rất quan tâm. Nhiều lần cô còn cho gia đình Nhung từ cả những quả trứng, những con cá, quả bưởi... nhà cô nuôi và trồng được.... và những thứ cô bỏ tiền túi mua cho gia đình em.                              

Nhung chỉ định học hết cấp 3 là đi làm giúp đỡ gia đình vì mẹ không có khả năng nuôi học đại học nhưng nhờ sự động viên từ các thầy cô giáo đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cô Nhinh, Nhung đã quyết định dùng số điểm 24,75 ba môn Văn-Sử-Địa, đồng thời nhờ Quỹ học bổng “Thắp Sáng Niềm Tin” (do cô Nhinh giới thiệu) để tiếp tục con đường học tập với hi vọng sẽ có 1 tương lai tươi sáng.         

Hiện tại, Nhung đã tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch của trường Ngoại Ngữ và Du Lịch- trực thuộc trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội và đã trở thành hướng dẫn viên Du lịch năng động, giỏi giang.          

Trong quá trình học Đại học, năm thứ nhất, Nhung được học bổng bán phần với số điểm 3.13/4. Nhung cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của nhà trường như tình nguyện, tham gia hoạt động nhóm với cuộc thi nấu ăn và cắm hoa đạt giải Nhất, tham gia hoạt động nhóm với cuộc thi nghiên cứu khoa học đạt giải Khuyến khích. Ngoài ra trong quá trình học tập và thực tập Nhung cũng luôn chịu khó học hỏi từ các anh chị đi trước để phục vụ cho việc học tập cũng như phát triển nghề nghiệp, hoàn thiện bản thân hơn.




Văn phòng
Trường