Sau này chúng tôi biết thầy thường dạy lớp chọn A, lớp chọn những học sinh có điểm đầu vào cao, từ đầu có hướng thi đại học 3 môn Toán Lí Hoá. Thời đó, những năm 1993 - 1996, chúng tôi có bộ đề 50 đề thi cho từng môn. Nếu có học lực khá và chăm chỉ luyện đề, chúng tôi có nhiều cơ hội để vào đại học.Nói một chút về lớp chúng tôi, lớp 10K sau là 12K. Phải khảng định ngay là trong 7 lớp 10 được tuyển vào trường THPT HIệp Hoà 1 năm đó, lớp chúng tôi cũng là … lớp chọn. Nhưng chọn theo xã, lớp được ghép bởi học sinh của các xã Đồng Tân, Thanh Vân, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Đức Thắng sau khi những học sinh điểm cao nhất và có nguyện vọng đã được tuyển vào lớp chọn. Thầy Quang Bình đã đến với lớp chúng tôi vào thời điểm đầu năm học lớp 10, nhà trường phân công thầy dạy Toán và chủ nhiệm tạm thời. Tôi đã may mắn có đượckỷ niệm đẹp, rất đáng nhớ với thầy trong khoảng thời gian này.
Đầu năm học, để ổn định tổ chức, các lớp đều tổ chức đại hội chi đoàn. Hình ảnh thầy những ngày đầu vẫn nguyên vẹn trong tôi. Từ bàn giáo viên, thầy nhìn bao quát lớp rồi chọn và giao việc cho từng người. Khi có sự hiện diện của thầy lớp luôn trật tự, đôi khi không có cả tiếng thở mạnh. Để đại hôi chi đoàn cần có một người làm công tác tổ chức, tôi không hiểu sao thầy lại chọn tôi. Cũng chỉ có mấy việc đại loại như ổn định tổ chức, chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Kết thúc đại hội cũng là một số thủ tục, cơ bản không có gì khó khăn, phức tạp. Việc đó thực sự không có gì khó khăn, phức tạp. Nhưng khi thầy giao việc tôi đã từ chối. Tôi từ chối bởi những việc đó tôi chưa từng làm. Tôi từ bởi từ nhỏ tôikhông va chạm, học ở THCS tôi cũng không tham gia các hoạt động phong trào. Tôi từ chối bởi bản tính nhút nhát ít nói, hay đỏ mặt và không tự tin khi nói trước đông người. Có thể nói từ nhỏ cho đến khi thầy giao việc này, tôi luôn tự ty. Hình như khi người ta tự ty việc nhỏ nhất, việc nhẹ nhất, việc dễ nhất người ta cũng nghĩ người ta không thể nào làm được thì phải.
Đúng là như vậy, như đỉa phải vôi, tôi không nghĩ thêm giây nào khi thầy giao việc:
- Thưa thầy, em không làm được!
Thầy không hỏi lý do, thầy đã không hỏi lại tại sao tôi lại từ chối. Có lẽ cũng không quá một giây, thầy nhìn tôi rồi hỏi:
- Anh có phải là đoàn viên không?
Thầy nói đủ nghe, rõ ràng, sắc thái giọng nói của thầy không có gì gay gắt. Nhưng trong câu hỏicủa thầy đầy ngụ ý. Tôi hoàn toàn bất ngờ, im lặng. Câu hỏi trí tuệ buộc tôiphải mở não để nhìn lại mình. Anh có phải là đoàn viên không? Anh là đoàn viên mà không làm được việc này ư? Tổ chức kết nạp nhầm người rồi hay sao?Cuối cùng, tôi đã nhận nhiệm vụ chỉ với câu hỏi đó của thầy.
Khi vào việc thầy hướng dẫn tôi từng việc nhỏ, rất cụ thể. Sau đó cả họp trù bị và hôm đại hội chính thức mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Nhiều học trò không biết có học thầy trực tiếp không nhưng khi nói về thầy hay nói rằng thầy là người lạnh lùng, có khoảng cách, rất nghiêm khắc. Nhiều thế hệ học sinh nói về thầy cũng có những nhận xét tương tự: Thầyít nói, ít cười, rấtnghiêm khắc. Được học thầy một thời gian, qua tình huống thực tế, qua công việc cụ thể, tôi thấy thầy của tôi không phải là người như vậy. Với riêng tôi,thầy là người trách nhiệm, gần gũi, ấm áp. Sau đại hội thầy gặp riêng tôi, thầy bảo:
- Anh làm tốt đấy.
Tôi không biết việc tôi được thầy giao và đã làm có tốt thật không nhưng được thầy khen, được thầy động viên như vậy tôi rất vui. Từ đó tôi tựtin hơn, mạnh mẽ hơn. Cũng từ đó, nhờ thầy, cậu học trò luôn tự ty nhút nhát đã từng bước thay đổi.
***
Thời gian lặng lẽ trôi, thoáng cái đã đến thời điểm thầy về nghỉ hưu. Thầy về nghỉ trong sự nuối tiếc của nhiều đồng nghiệp và học trò. Nhưng sự kết nối giữa thầy và chúng tôi không dừng nghỉ. Không dừng nghỉ, không đứt đoạn. Thời 4.0, công nghệ và mạng xã hội phát triển, chúng tôi vẫn thường xuyên thấy thầy. Có khi thấy thầy đi du lịch cùng gia đình, có khi thấy thầy say mê với cây đàn ghita, với những bản nhạcthầy yêu thích. Có người về hưu thấy rất buồn, thấy hụt hẫng. Thầy không như vậy, chúng tôi thấy thầy luôn có nhiều niềm vui. Có lẽ vui nhất với thầy là sự quan tâm của những người học trò cũ. Có những học trò cũ luôn gần thầy, hiểu thầy, rất quý thầy. Lâu lâu lại qua hỏi thăm thầy, khi có điều kiện có thể đón thầy đi uống bia. Những lúc đó, hữu duyên, chúng tôilại được ngồi bên thầy, cùng nâng ly, chạm ly, lại được nghe thầy nói. Ở bục giảng trước học trò hay ở quán bia đông người ồn tạp, trước học trò cũ hay người mới gặp, thầy luôn làm chủ. Làm chủ trước bia rượu và làm chủ trước đám đông. Những lúc như vậy thầy luôn là người chủ động tạo không khí, thầy luôn nói chuyện vui, thầy nói chuyện đời thường. Thầy kể những câu chuyện gần gũi mà thú vị. Có khi chỉ là lời giới thiệu, thầy cũng tạo được sự khác biệt:
Trước khi uống, trong khi uống, sau khi uống thầy cũng luôn làm chủ, luôn là chính mình. Đúng mực, hài hoà, không mượn bia rượu để trút nỗi buồn cho ai đó. Trước mọi người, ở chỗ đông người, thầy không thể hiện cái tôi nên ai lúc đó ở gần thầy cũng thấy vui. Người mang niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người chỉ có thể là những người luôn tha thiết yêu đời, có trí tuệ và trái tim giàu yêu thương. Trong cảm nhận của tôi, thầy là người như thế.
Nếu để ý thì thật dễ thấy, thầy luôn gọi học trò là Anh. Dù đang học hay đã ra trường, vị trí xã hội cao hay thấp, kinh tế giàu hay nghèo, thầy luôn dùng từ Anh. Khi chúng tôi đã ra trường 30 năm, thầy vẫn một phong cách ấy, chưa bao giờ thầy đổi cách gọi học trò. Thầy luôn tôn trọng con người dù đó chỉ là hậu bối, dù đó chỉ là những học trò nhỏ. Phải có niềm tin vào năng lực trồng người của bản thân và niềm tin lớn với những năng lực tiềm ẩn ở thế hệ trẻ, người thầy mới luôn có được sự tôn trọng này. Sau này nối nghiệp thầy, khi đã đứng trên bục giảng nhiều năm, chúng tôi mới thấy rõ hơn cái hay, ý nghĩa lớn của cách gọi này. Thế hệ giáo viên chúng tôi sau này không phải ai cũng nghĩ và làm được như thầy.
***
Đã bước sang năm thứ 24 đứng trên bục giảng, mỗi khi gặp khó khăn tôi lại sốc lại mình bằng câu hỏi của thầy. Trước đồng nghiệp và học trò, có vướng mắc khó khăn gì tôi lại tự hỏi: Anh có phải là giáo viên không? Trong gia đình, lương thấp mà muốn là người chồng tốt, người cha tốt, thật chẳng dễ chút nào. Chưa làm tốt vai trò của người trụ cột, trước những khó khăn vướng mắc, tôi lại im lặng rồi tự hỏi: Anh có phải là đàn ông không? Cứ như vây, ở tuổi 46, tôi đã đi qua những khó khăn lớn của cuộc sống riêng và sống hoà thuận với vui buồn của cuộc đời. Mỗi ngày lại cố gắng thêm, để thay đổi bản thân, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Để tiếp nối con đường thầy đã đi, luôn đầy ắp năng lượng. Để cùng thế hệ trẻ, để cùng các thế hệ học trò, đi về phía mặt trời. Tháng 11 đang đến gần, ngày 20/11 đang đến gần. Xin được dừng bút, xin được cúi xuống, xin được im lặng. Để hướng tới những điều thiêng liêng và nói lời tri ân thầy.