Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du. Có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…
Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Năm 1927, nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ. Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh. Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành
lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “ Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận
rõ: Phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải
giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải
phóng phụ nữ. Đảng đặt ra yêu cầu: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng
(Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng
lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này
thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng,
đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng tám chữ vàng: "Cần cù- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang"
Trường THPT Hiệp Hoà Số 4 đã bước sang tuổi thứ 11. Trong 11 năm hoạt động, tuy thời gian chưa nhiều song các thành tích của nhà trường đã đạt được trong những năm vừa qua đã khẳng định sự đóng góp lớn lao của các thế hệ thầy và trò. Đặc biệt có sự đóng góp không nhỏ của các đồng chí nữ CB, GV, NV và các em nữ sinh các khoá của nhà trường.
Phát huy các thành tích đã đạt được, cùng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của tập thể nữ CB,GV,NV và các em nữ sinh của nhà trường, tôi hy vọng rằng các cô giáo cùng các em học sinh nữ tiếp tục nêu cao truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục chung của đất nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Thị Phương Lan
BCH Công đoàn