Print (Ctrl+P)

Truyền thống tôn sư trọng đạo

Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã vun đúc được những nét đẹp văn hóa thật đặc sắc. Trong những nét đẹp văn hóa ấy có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”- đề cao, tôn vinh vai trò, vị trí của người thày trong xã hội. Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. “Tôn” là tôn vinh, kính trọng. “Sư” có nghĩa là thày, là người làm nghề dạy học. “Trọng” là coi trọng, đề cao. “Đạo” là đạo đức, lễ nghĩa, đạo của người học trò. Vậy “Tôn sư trọng đạo” có nghĩa là tôn vinh, đề cao và kính trọng người thày, người đã mang tri thức truyền dạy cho bao thế hệ, giúp ta thành công trên con đường học vấn; dạy ta đạo lí để ta hoàn thiện nhân cách, làm người có ích cho xã hội.

Xưa cha ông ta từng nhắn nhủ:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy


Hay: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Đến Phạm Văn Đồng cũng khẳng định:"nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Như vậy, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa thật sâu sắc. Trước hết, đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ cùa nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và tôn vinh. Nó chứng tỏ một dân tộc văn hiến và hiếu học. Bởi coi trọng nghề dạy học là một biểu hiện sâu sắc của một dân tộc văn hiến và tôn vinh người thầy là bằng chứng hùng hồn của một dân tộc hiếu học. Nhưng ý nghĩa sâu xa của tôn sư trọng đạo chính là sự gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội phát triển tốt đẹp. Nhớ Thân Nhân Trung từng nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". Đến nay, Đảng và Nhà nước ta khẳng định "giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu" – đó cũng là một trong những vấn đề thuộc truyền thông tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta chính là như thế. Nó là sức mạnh tinh thần, là tình cảm lớn lao và bền vững của dân tộc để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và giàu mạnh.

Truyền thống tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái nhất, lòng biết ơn sâu sắc nhất. Vì thế ngày 20-11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân đế tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. Hình ảnh cha mẹ học sinh tặng hoa chúc mừng các thầy, cô giáo cũ của mình trong ngày 20- 11 và cả những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm, chúc mừng những người thầy có công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà… đã nói lên sâu sắc truyền thông và đạo lí cao đẹp đó. Và không thể không nhắc đến Giáo sư-nhà giáo Văn Như Cương, người đã dành cả cuộc đời, dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, cho bao thế hệ học sinh. Nhắc đến thày là một niềm xúc động và tri ân!

Từ một đạo lí truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới trong thời đại ngày nay gắn liền với tư tưởng "trồng người" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó không chỉ là đạo lí, tình cảm mà còn là tinh thần, sức mạnh, hành động cách mạng để đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đó là nét mới của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống hiện nay của nhân dân ta.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức đẹp của dân tộc. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa. Bởi người thầy chính là những người đã đưa ta đến với tri thức của nhân loại “không thầy đố mày làm nên”. Người thầy chính là những người chèo lái con đò tri thức đưa chúng ta đến bến bờ của cuộc sống, của niềm vui và hạnh phúc. Vì vậy mỗi chúng ta hôm nay phải ghi nhớ công ơn của những người “lái đò” thầm lặng ấy.

Một mùa 20/11 nữa sắp đến, là ngày hội của các thầy, các cô, là ngày mà vẻ đẹp của các “kĩ sư tâm hồn” được tôn vinh, là ngày mà dân tộc VN ta thể hiện rõ nhất truyền thống tôn sư trọng đạo. Với những ý nghĩa ấy, tôi và các bạn- những học sinh trường THPT Hiệp Hòa số 4, chúng ta hãy trân trọng kính dâng những đóa hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc tốt đẹp nhất đến các thày, các cô. Đó là sự tri ân đáng quý nhất đối với những người đã và đang yêu thương, dìu dắt chúng ta trên con đường đi tới tương lai!

                                                                                                                  Người viết : Dương Thị Luyến

Văn phòng
Trường