Việc giáo dục tư tưởng tình cảm, đạo đức cho học sinh phụ thuộc phần lớn vào thái độ, tư cách, phẩm chất đạo đức của người giáo viên lịch sử. Và cách thức người giáo viên truyền thụ kiến thức, tạo cho học sinh biểu tượng lịch sử, nhận thức đúng đắn các vấn đề lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm… Một trong những biện pháp để thực hiện điều đó là sử dụng truyện kể lịch sử. Sử dụng truyện kể lịch sử bằng phương pháp kể chuyện lịch sử có ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục đạo đức, ý thức học tập cho học sinh.
Thứ nhất: Truyện kể lịch sử góp phần tạo biểu tượng lịch sử, khôi phục lại bức tranh quá khứ một cách sinh động, chân thực.
Thứ hai: Truyện kể lịch sử góp phần làm sáng tỏ bản chất của sự kiện, khắc họa sâu sắc chân dung nhân vật lịch sử.
Thứ ba: Thông qua truyện kể lịch sử đã giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho học sinh một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách tốt đẹp cho các em.
Kể chuyện lịch sử là một phương pháp dùng lời nói kết hợp hình ảnh để diễn tả một cách sinh động, hấp dẫn về một câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Kể chuyện lịch sử có nhiều ưu điểm đối với việc giáo dục đạo đức, trong đó nổi bật nhất là tính nêu gương.
Thông qua các câu chuyện kể về lịch sử của dân tộc, của các danh nhân có tầm ảnh hưởng lớn để góp phần giáo dục đạo đức, ý thức học tập cho học sinh. Qua các câu chuyện lịch sử sẽ giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần dũng cảm, vượt khó, vươn lên trong học tập - cuộc sống, biết yêu thương con người, có lòng nhân ái, biết chia sẻ, yêu thương và rất nhiều đức tính tốt đẹp khác.
Qua các câu chuyện kể hay, ngắn gọn, súc tích góp phần làm cho giờ học bớt nhàm chán, làm phong phú thêm các nội dung và đặc biệt đem lại giá trị giáo dục cao. Dưới đây là một số câu chuyện lịch sử mang nội dung giáo dục ý thức học tập cho học sinh khi dạy chương trình lịch sử THPT:
1. Truyện kể về Lê Văn Hưu, nhà sử học thời Trần, (bài 20, Lịch sử lớp 10)
Lê Văn Hưu (1230-1322) người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), là người khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh. Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Bác thợ rèn thấy chú bé mới tí tuổi đầu đã chăm lo việc học hành, bèn ra một vế đối để thử tài:
- Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.
Lê Văn Hưu liền đối:
- Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
Bác thợ rèn ngạc nhiên khen ngợi mãi rồi tặng luôn một cái dùi thật
xinh, lại kèm theo ít tiền để mua giấy bút.
*Ý nghĩa giáo dục: Câu chuyện giáo dục ý thức ham học hỏi, thông minh, dí dỏm của học trò.
2. Truyện kể về Cao Bá Quát, một tài năng văn học thế kỉ XIX (bài 26 Lịch sử lớp 11)
Tương truyền thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn hay đến mấy vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:
- Gia đình già có việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn.
Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:
- Tưởng việc gì khó chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.
Lá đơn được thảo ra, lý lẽ rõ ràng. Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Vì mình viết chữ xấu mà không giúp được người khác, lại mang họa. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.
Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại muốn có những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp, Từ đấy, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt. Sau này, người ta cứ lấy ông ra để răn nhau rồi vận nên thành ngữ: “Văn hay chữ tốt”.
*Ý nghĩa giáo dục: Qua câu chuyện giáo dục cho các em về ý thức luyện viết chữ đẹp. Văn hay chữ tốt được coi là truyền thống, một nét đẹp văn hóa của người Việt. Luyện chữ viết còn là rèn tính nết cẩn thận, tạo nên “nết người”. Bởi vậy mà ngành Giáo dục phát động phong trào vở sạch chữ đẹp với phương châm “nét chữ, nết người”.
3. Truyện kể về Chu Văn An - người thầy giáo mẫu mực thời Trần (bài 20, Lịch sử 10)
Chu Văn An tên thật là Chu An (1292-1370), xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).
Sinh thời, thầy Chu Văn An luôn quan niệm “muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Những học trò cũ của ông, dù đã làm đại quan nức tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, lúc về thăm thầy vẫn khép nép giữ gìn. Họ có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo.
Có cả truyền thuyết về chuyện quỷ thần cũng biết đến tiếng tăm thầy Chu Văn An tìm đến xin học. Tương truyền, khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước.
Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong, ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói: "Con vâng lời thầy là trái lệnh thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân, mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho".
Sau đó, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, học trò tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn.
Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ (nay vẫn còn dấu vết mộ thần). Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai - quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm.
Câu chuyện mang tính chất huyền bí được truyền qua nhiều đời đã cho thấy nhân dân tôn vinh đức, tài của thầy Chu Văn An, khiến ngay cả quỷ thần cũng phải theo học. Không chỉ là người thầy giáo chuẩn mực, Chu Văn An còn nối tiếng với tính cương trực, yêu nước.Với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà, Chu Văn An được tôn là “vạn thế sư biểu – thầy của muôn đời”.
*Ý nghĩa giáo dục: Qua câu chuyện giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta và đặc biệt là đối với các em học sinh còn đang học ở trường.
4. Truyện kể về sự kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (bài 13- Lịch sử lớp 12)
Trong ngôi nhà cũ bé nhỏ của một cơ sở cách mạng tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc, thuộc khu ổ chuột với những túp lều bằng tôn và cát-tông chen chúc nhau. Mọi người ngồi xung quanh một chiếc bàn có để sẵn một bộ xúc xắc - một trò chơi ưa thích của người Trung Quốc ở Hồng Kông. Nếu có ai nghi ngờ vì thấy tiếng ồn ào trong buồng thì có thể tưởng rằng đây là nơi tụ tập của những kẻ cờ bạc. Đây chính là nơi diễn ra cuộc họp dẫn tới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2/1930.
*Ý nghĩa giáo dục: Câu chuyện giáo dục tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm của con người. Học sinh sẽ hiểu được rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và hoạt động một cách bí mật trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào.
5. Kể chuyện Nguyễn Hiền - ông trạng nhỏ tuổi nhất Việt Nam (bài 20, lịch sử lớp 10)
Nguyễn Hiền (1234 – 1256) là một tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên số phận. Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Hiền rất ham học hỏi. Cậu học ở lớp rất giỏi và rất thích thú, say mê với việc học. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, lại sớm mồ côi cha, chỉ sống với mẹ. Cuộc sống vốn đã rất khó khăn lại càng khó khăn gấp bội. Vì nhà quá nghèo, Nguyễn Hiền đã phải bỏ dở việc học. Thế nhưng, ban ngày đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào ông cũng đứng ngoài lớp học nghe giảng nhờ. Sách vở là lưng trâu, là nền cát, bút là ngón tay hay mảnh gạch vỡ. Nhờ những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, khi nhà vua mở khoa thi, Nguyễn Hiền đã xuất sắc đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi.
*Ý nghĩa giáo dục: Giáo dục học sinh niềm đam mê học tập, say mê nghiên cứu và ý thức nỗ lực vượt lên trên số phận.
6. Chuyện kể về Lương Thế Vinh một tài năng Toán thời Lê sơ (Bài 20, lịch sử lớp 10)
Lương Thế Vinh (1441 – 1497) không chỉ là tài năng lỗi lạc về văn thơ, thông thuộc sách thánh hiền, Lương Thế Vinh còn quan tâm nhiều lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là toán học.
Vốn sinh ra ở vùng nông thôn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, thấu hiểu cuộc sống khổ cực của nông dân, ông rất muốn tìm cách giúp họ.
Một lần, khi đi kinh lý, thấy hai nông dân đang cãi nhau khi chia mảnh đất có hình dáng phức tạp. Nghe rõ câu chuyện, ông xắn quần lội xuống tận nơi để chỉ ra chỗ đúng, sai và giúp họ chia lại mảnh ruộng một cách công bằng.
Lần khác, người dân tìm cách đo chiều rộng của khúc sông để bắc cầu, nhưng nước chảy xiết, việc đo đạc khó khăn. Lương Thế Vinh nói: "Không cần phải qua sông mới đo được".
Mọi người tưởng ông nói đùa. Lương Thế Vinh dùng phương pháp mà ngày nay gọi là “tam giác lượng” để đo chính xác chiều rộng của sông.
Sau này, để phổ biến kiến thức toán học vào đời sống, Lương Thế Vinh soạn cuốn “Đại thành toán pháp”. Ông đã tổng kết những kiến thức của thời đó và cả phần mình phát minh. Đây chính là một trong những công trình nổi bật nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của nước ta dưới thời phong kiến. Quyển “Đại thành toán pháp” của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Tương truyền, khi sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố ông cân một con voi, Lương Thế Vinh đã đưa voi lên chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước. Sau đó, ông cho dắt voi lên, đổ đá hộc xuống thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả.
Chu Hy thán phục nhưng vẫn tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách.
Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than rằng "nước Nam quả lắm người tài!".
Lương Thế Vinh đáp lại người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ nhà Minh hổ thẹn vì không biết sử nước nhà.
*Ý nghĩa giáo dục: Giáo dục học sinh niềm say mê học tập, say mê nghiên cứu và sự sáng tạo trong học tập.
7. Mạc Đĩnh Chi, danh nhân nổi tiếng nước ta đời Trần, người biết khắc phục mọi khó khăn để học và đã học thành tài (bài 20, lịch sử lớp 10)
Tương truyền rằng, thuở nhỏ Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) vốn lanh lợi, thông minh. Nhưng lại là con nhà nghèo, người đen đủi, xấu xí. Hàng ngày mọi đứa bé khác đi học, thì ông lại phải vào rừng kiếm củi. Vốn bản tính ham học, nhưng nhà lại nghèo không có tiền. Thế nên hàng ngày Mạc Đĩnh Chi luôn ghé đến lớp học của Thầy Đồ gần nhà trong làng, đứng ngoài cửa ngấp nghé với bó củi sau lưng để học “ké”. Nhiều ngày như vậy, thầy thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học, thầy cho phép cậu bé vào trường. Nhờ có trí thông minh, Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành học trò giỏi nhất trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách vì ban ngày cậu phải làm việc khác. Nhưng lại không có đèn dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Không có vở để viết cậu dùng lá để thay giấy và tập viết.
Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm, bằng nghị lực phi thường, chẳng bao lâu, ở khoa thi hội Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên. Khi mới đỗ nhà vua thấy ông nhà nghèo lại xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu, buộc ông phải làm một bài văn để thử tài. Mạc Đĩnh Chi làm ngay bài phú lấy tên là "Bông sen trong giếng ngọc" để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình. Bài phú rất hay, hay đến nỗi vua Trần phải phong cho ông một chức quan trong triều.
Không chỉ làm trạng nguyên Đại Việt, ông còn được phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên. Lòng nghị lực của Mạc Đĩnh Chi đã khiến không ít người nể phục. Đây có thể nói là vị trạng nguyên nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam về câu chuyện vượt khó vươn lên trong học tập.
*Ý nghĩa giáo dục: Giáo dục ý thức nỗ lực vượt lên trên khó khăn, ham học và nỗ lực để thành tài.
Còn rất nhiều câu chuyện lịch sử khác có thể giáo dục ý thức học tập và sự nỗ lực học tập cho học sinh, đặc biệt là những mẩu chuyện kể về Bác Hồ. Qua những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các em học sinh sẽ được học tập một nhân cách cao đẹp với đức tính cần cù, thông minh, chịu khó, luôn nỗ lực để học tập và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung của dân tộc.
Giáo dục ý thức, đạo đức cho học sinh là một bộ phận của quá trình giáo dục tổng thể cần phối hợp nhiều biện pháp và cần có thời gian. Để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục đạo đức học sinh thì bên cạnh việc xây dựng nội quy kỷ luật cho học sinh, cần tạo không gian gần gũi, thân thiện, giáo dục học sinh thông qua những câu chuyện giản dị, có thật trong lịch sử sẽ có sức ảnh hưởng sâu sắc giúp các em ý thức hơn trong học tập và rèn luyện đạo đức.
Trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi đào những con người “vừa hồng vừa chuyên”, thì học sinh càng phải có ý thức học tập cao hơn, nhiệm vụ học tập cao hơn. Hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tuởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”, giáo dục ý thức học tập để học sinh thấy được học tập tích cực, sáng tạo là trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Cao hơn, các em sẽ nhận ra rằng học tập đó là sứ mệnh đối với lịch sử – là vinh dự và trách nhiệm mà mỗi học sinh có được.