Diễn đàn :: 12/11/2024

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI DẠY BÀI TOÁN THỰC TẾ

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Toán đặc biệt chú trọng tăng cường các bài toán thực tế. Các bài toán thực tế thường liên quan đến các vấn đề xã hội, kinh tế hoặc khoa học, gần gũi với thực tế cuộc sống của học sinh. Việc tăng cường các bài toán thực tế có nhiều lợi ích quan trọng, giúp học sinh áp dụng của kiến thức Toán học trong cuộc sống hằng ngày, giúp học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học Toán cũng như khắc sâu tri thức đã học. Tăng cường các bài toán thực tế trong chương trình môn Toán ở trường THPT sẽ giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho tương lai và áp dụng kiến thức của mình vào các tình huống thực tiễn. Tuy nhiên, khi thực hiện giảng dạy các bài toán thực tế trong nội dung Chương trình môn Toán, giáo viên và học sinh vẫn còn gặp phải khá nhiều khó khăn.

1. Giải các bài toán thực tế thường phức tạp hơn so với các bài toán thuần túy, đòi hỏi học sinh phải tư duy logic, phân tích vấn đề và áp dụng kiến thức để tìm ra giải pháp. Kĩ năng giải bài toán thực tế là một kĩ năng quan trọng trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Việc giảng dạy chỉ thuần túy truyền thụ kiến thức một chiều mà chưa có cập nhật thực tiễn để dẫn dắt vào bài mới nên tiết học khô khan, xơ cứng và không hấp dẫn. Đồng thời, do áp lực khối lượng kiến thức môn học quá nhiều, thời lượng ngắn nên việc rèn luyện kĩ năng để vận dụng kiến thức vào giải các bài toán thực tế gặp khó khăn. Số bài toán thực tế trong sách giáo chưa nhiều, rời rạc và ít đa dạng. Mặt khác, giáo viên sợ mất thời gian nên không chịu tìm tòi thêm bài tập bên ngoài, dẫn đến truyền đạt kiến thức cho học sinh mang tính gượng ép chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, một số kì thi còn đặt nặng yêu cầu kiến thức lí thuyết nên giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới hoàn toàn mà chỉ thực hiện một số giờ dạy mẫu. Nội dung kiến thức trong bài học còn nhiều, chưa thích ứng với thời gian quy định của mỗi tiết học, cho nên khi gặp các bài toán thực tiễn giáo viên chỉ giải thích cho xong mà chưa chú trọng khai thác nó một cách bài bản.

2. Mỗi học sinh có cách tiếp thu và học tập riêng biệt. Giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật giảng dạy khác nhau để đáp ứng nhu cầu học tập của từng học sinh, đồng thời tạo ra môi trường học tập tích cực và thú vị. Việc giảng dạy toán thực tế đòi hỏi phải có thời gian để giải quyết các bài toán phức tạp và thực hiện các hoạt động thực tế. Thời gian học giữa các buổi cũng có thể hạn chế, khiến việc nắm vững kiến thức và áp dụng vào thực tế trở nên khó khăn. Một số học sinh thiếu hứng thú và không nhìn thấy giá trị của việc học toán thực tế. Học sinh chưa thực sự nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày mà có thể vận dụng Toán học vào giải quyết. Hầu hết học sinh mang tư tưởng học để thi nên thụ động, thiếu đam mê tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo thông qua các bài toán thực tiễn.

3. Đối với học sinh trường THPT Hiệp Hoà số 4 có thêm phần khó khăn, các thầy cô giáo tổ Toán_Tin đã rất tích cực trong việc tìm tòi, tự học để có được giờ dạy hiệu quả. Trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn đều có trao đổi những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về công tác chuyên môn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, các thầy cô giáo tổ Toán_Tin đã có nhiều tiết dạy rất hiệu quả.

Thầy Nguyễn Văn Tùng dạy STEM “ Thiết kế rào chắn mảnh vườn hình chữ nhật”.


Học sinh lớp 10A1 chuẩn bị bài rất tốt trong tiết học của thầy Nguyễn Văn Tùng.


Thầy và trò đã có tiết học rất hiệu quả.

Mặc dù vẫn có nhiều khó khăn trong dạy học bài toán thực tế nhưng được sự quan tâm tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường về cơ sở vật chất, được tham gia các lớp tập huấn đã cho chúng tôi động lực hơn và quyết tâm hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.



Trường - Văn phòng