Văn học :: 13/11/2021

Đọc lại truyện cổ tíc "Tấm Cám"

Mạch truyện cổ tích “Tấm Cám” là mạch truyện về hạnh phúc trong đó trước tiên các tác giả dân gian khẳng định: hạnh phúc có thể có được nhờ sự giúp đỡ. Nhìn lại một đoạn đời của Tấm chúng ta sẽ thấy rõ điều này: bị Cám đoạt giỏ tép mất cơ hội nhận phần thưởng cái yếm đỏ, bị mẹ Cám bắt thịt cá bống mất đi “người bạn” cũng là nguồn vui duy nhất, bị dồn ép nhặt tách thóc gạo chẳng còn thời gian đi xem hội... Sinh ra sớm mồ côi, cả tuổi thơ của Tấm thật tội nghiệp với bao éo le cay đắng chất chồng như thế. Tấm khóc nhiều, khóc mỗi khi đối diện nghịch cảnh, mỗi khi bị dồn đến chỗ khổ đau tận cùng. Và mỗi lần như vậy Bụt đã hiện lên cứu khổ ban vui, chỉ Tấm cách thoát khổ, dạy Tấm cách tạo niềm vui.
Bụt đã dạy Tấm tạo niềm vui bằng cách làm việc tốt và nói sự thật: mỗi bữa lẽ ra con ăn ba bát cơm thì con ăn hai nhường cho bống một bát. Bớt ăn là bớt tham, biết cho bống là biết chia sẻ, khi biết cho dù mình chẳng dư thừa thì bát cơm không thuần là bát cơm cho nữa mà là “cơm vàng cơm bạc”. Câu nói “Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” cũng là câu để phân biệt “nhà ta” và “nhà người”. Người ta có thể nuôi vật bằng cơm hẩm cháo hoa, cơm thừa canh cặn mà Tấm không đối với bống như vậy. Người cho “cơm vàng cơm bạc” là người vị tha cao thượng, là người có “tấm lòng vàng”. Từ người được nhận Tấm biết nghe lời Bụt sớm trở thành người biết cho và cho đi thì còn mãi. Sau này đâu phải tự nhiên mà Tấm có váy đẹp hài xinh lại đủ ngựa tốt đi xem hội để từ đó có cơ hội gặp vua trở thành hoàng hậu. 
Khi thấy ai có mọi điều kiện tốt ta hay nói người đó sướng như vua. Lẽ thường làm vợ vua thì được chung hưởng cái sướng ấy, sẽ sướng lắm. Mà Tấm không được vậy, thậm chí ngược lại, làm vợ vua mà khổ hơn cả khi còn nhỏ khi còn ở cùng mẹ con Cám: Ở nhà chỉ mất giỏ tép, ở nhà chỉ mất cá bống... ở đây Tấm đã mất mạng, chết đi sống lại nhiều lần. Vua lần nào cũng chỉ im lặng không nói gì. Cũng không thấy Bụt xuất hiện nữa, mỗi ngày chỉ thấy Tấm đổi thay. Cuộc sống thực tế buộc Tấm phải đổi thay, đi qua bao kiếp nạn từng bước trở nên mạnh mẽ. Từ cô bé yếu đuối chỉ biết khóc Tấm đã có “quan điểm”: “Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Đây là một lời nhắc nhẹ nhưng sau đó là lời đe dọa: “Cót ca cót két - Lấy tranh chồng chị - Chị khoét mắt ra”. Từ sự thay đổi của  Tấm cũng như diễn biến của mạch truyện chúng ta thấy tác giả dân gian như muốn khẳng định: Hạnh phúc là đấu tranh. Hạnh phúc có thể có được nhờ sự giúp đỡ nhưng hạnh phúc chủ yếu có được do chúng ta mạnh mẽ đấu tranh. 
Kết thúc truyện “Tấm Cám” là kết thúc thật hay cũng là phần có nhiều ý kiến khác nhau thậm chí có những ý kiến trái chiều mà thực sự đây là cái kết phù hợp với mạch truyện về hạnh phúc. Dù là tác phẩm truyền miệng chúng ta vẫn cần bám vào văn bản để làm rõ vấn đề này. Khi Tấm trở về hoàng cung, nhìn thấy chị Cám vô cùng ngạc nhiên: “Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà đẹp thế?”. Cùng với sự ngạc nhiên là lòng tham là mong cầu của Cám. “Có muốn đẹp như vậy không để chị giúp?”. Và Tấm đã giúp Cám thỏa nguyện, mọi người bảo Tấm giết Cám mà thực sự thì Tấm đã giúp Cám. Người lấy cau rơi xuống nước không chết, chim vàng anh bị ăn nuốt không chết, cây xoan đào bị băm xẻ không chết, khung cửi bị đốt thành tro không chết. Mình từng đi qua những chặng đường như thế, các kiếp nạn như vậy, mình sẽ chỉ cho em mình cách tương tự. Dội gáo nước lạnh đã có thể làm ai đó tỉnh ngộ mà người như Cám quen làm việc xấu, vô cùng tàn ác, cần một cái hố lớn cần một nồi nước thật nóng. Phần xấu ác trong Cám chết chứ Cám không chết, Cám còn tiếp tục luân hồi trả nghiệp và các tác giả dân gian không tiếp tục miêu tả quãng đời sau của Cám mà thôi. 
Truyện cổ tích “Tấm Cám” đem đến cho chúng ta nhiều điều thú vị, có những điều thật gần gũi giản dị mà vô cùng ý nghĩa. Đã qua bao thời gian nhưng những thông điệp từ truyện vẫn còn nguyên giá trị với người tiếp nhận hôm nay. Hạnh phúc có thể có được nhờ sự giúp đỡ, hạnh phúc chủ yếu có được nhờ sự đấu tranh và hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi ta đủ mạnh để trừ diệt kẻ ác và cái ác. 


Trường - Văn phòng

Bài viết chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/ 11/ 2021

CHÀO THÁNG MỚI