SINH HOẠT CHUYÊN MÔN TỔ SỬ - ĐỊA - GDCD THÁNG 3 NĂM 2024
Thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, theo sự chỉ đạo của BGH trường THPT Hiệp Hòa số 4 đã diễn ra các buổi sinh hoạt chuyên đề của các tổ chuyên môn. Ở tổ Sử - Địa - GDCD, trong tháng 3 có buổi sinh hoạt chuyên đề của nhóm chuyên môn Lịch sử. Buổi sinh hoạt bắt đầu lúc 14h10 đến 15h30 ngày 12/03/2024, có sự tham gia của đại diện BGH nhà trường và thành viên của tổ Sử - Địa - GDCD.
Theo quy trình, để có một buổi sinh hoạt chuyên đề đem lại hiệu quả, tổ/nhóm chuyên môn đã thực hiện các bước:
- Xác định chủ đề: Tổ/Nhóm chuyên môn chọn một chủ đề phù hợp với mục tiêu chương trình và khả năng của các thành viên trong tổ.
- Lập kế hoạch: Tổ lập kế hoạch cho buổi sinh hoạt chuyên đề, bao gồm thời gian, địa điểm, nội dung, cử người đại diện và hoạt động cụ thể.
- Chuẩn bị tài liệu: Tổ thu thập và chuẩn bị tài liệu liên quan đến chủ đề, bao gồm sách, bài viết, video hoặc bất kỳ nguồn thông tin nào khác.
- Thực hiện buổi sinh hoạt: Tổ tiến hành buổi sinh hoạt chuyên đề theo kế hoạch đã lập trước đó. Đại diện của tổ/nhóm được chọn báo cáo sẽ trình bày chuyên đề, các thành viên trong tổ chia sẻ kiến thức, trao đổi ý kiến và thảo luận về chủ đề.
- Đánh giá và phản hồi: Sau buổi sinh hoạt, tổ đánh giá kết quả và nhận phản hồi từ các thành viên để cải thiện cho những buổi sau.
Thầy Dương Hồng Quân thực hiện báo cáo chuyên đề “Sử dụng một số trò chơi trong hoạt động luyện tập môn Lịch sử lớp 10”
Trong buổi sinh hoạt chuyên đề ngày 12/03/2024, thầy Dương Hồng Quân chia sẻ: Để tạo hứng thú cho học sinh khi học tập môn lịch sử, bộ môn nhiều bạn trẻ hiện nay đang cảm thấy kiến thức khô khan, khó nhớ, sợ học, sợ thi là một vấn đề quan trọng. Là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy đây là thách thức không chỉ đối với giáo viên trẻ mới ra trường cả đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh. Cần đổi mới các phương pháp dạy và học nhằm bồi đắp tình yêu lịch sử cho các thế hệ học sinh, như lời căn dặn của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Nhằm giúp học sinh không cảm thấy kiến thức lịch sử quá khô khan, dài, khó nhớ thì cần phải tạo hứng thú cho học sinh không chỉ ở hoạt động khởi động mà ngay cả hoạt động luyện tập giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn và có hứng thú cho các bài học tiếp theo”. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề này rất nhiều các hình thức tổ chức luyện tập cho học sinh đã được trình bày rõ ràng có minh hoạ, giúp các giáo viên có thêm cách thức, phương pháp để hỗ trợ công tác dạy học của mình.
Cô Đào Thị Hồng Vỹ (TTCM) chia sẻ: “Việc thực hiện chuyên đề là cần thiết vì nó góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường THPT. Tuy nhiên, cần lưu ý việc xử lí linh hoạt các hoạt động trò chơi trong luyện tập với các bài học và các tình huống phát sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp”.
Buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ đã tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, chia sẻ phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, tạo mối liên hệ chặt chẽ trong công tác giáo dục. Thông qua hoạt động này, các giáo viên của tổ đã thấy được kết quả của việc thực hiện đổi mới tư duy và phương pháp dạy học tích cực cũng như nhìn nhận được những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dạy học của mình để kịp thời có sự điều chỉnh trong công tác dạy học thời gian tới. Vì vậy, công tác sinh hoạt chuyên đề ở các tổ chuyên môn cần tiếp tục được quan tâm thực hiện để đưa lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục trong Nhà trường.
Vũ Thị Chi – GV môn Địa lí