BÀI TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/05/1954-07/05/2024) CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuốikế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mởchiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
I CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - BIỂU TƯƠNG SỨC MẠNH VIỆT NAM
Sau ngày 02/09/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách, nguy hiểm nhất là thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm “cướp nước ta một lần nữa”. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19 tháng 12 năm 1946), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì. Với tinh thần tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, quân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong các chiến dịch Việt Bắc - thu đông (1947), Biên giới - thu đông (1950), giành lại thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Được sự giúp đỡ của Mĩ, tháng 7 năm 1953 thực dân Pháp đề ra kế hoạch Na va được coi là kế hoạch quân sự lớn nhất của Pháp tiến hành trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Pháp hi vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành được một thắng lợi quân sự nhằm kết thúc chiến tranh trong danh dự.
Đối phó với kế hoạch quân sự mới của Pháp-Mĩ, Bộ chính trị Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, với phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh chắc thắng” để đánh bại Kế hoạch Na-va của địch. Quân và dân ta đã liên tục tiến công, giáng cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường. Trước nguy cơ kế hoạch Na-va bị phá sản, Pháp - Mĩ tập trung lực lượng và vũ khí nhằm xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài bất khả xâm phạm”, nhằm thu hút, “nghiền nát” chủ lực của ta.
Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn mới của địch, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, “tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”[1]. Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động hơn 21 000 xe đạp thồ, hàng trăm xe ô tô, hàng nghìn xe ngựa, trâu, bò vận chuyển hàng chục tấn vũ khí đan dược, 27 nghìn tấn gạo ra chiến trường. Hình ảnh đội quân xe đạp thồ vượt núi cao, vược sâu chở hàng ra mặt trận là minh chứng hào hùng cho tinh thần cả nước ra trận, mỗi người dân là một chiến sĩ, thể hiển ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc.
Nhận định về thế và lực của ta tại chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn chiến dịch. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến chiến dịch và chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi cuối cùng. Trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”[2], ngày 07 tháng 5 năm 1954, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm Đờ Ca-xtơ-ri, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng. Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỉ XX.
II. CHIẾN THĂNG ĐIỆN BIÊN PHỦ-TẦM VÓC THỜI ĐẠI.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi đó tạo tiền đề vững chắc để đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước thuộc địa châu Phi, khu vực Mĩ latinh. Dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ đã thôi thúc các quốc gia đấu tranh giành độc lập và giành nhiều thắng lợi to lớn như: Năm 1960 Liên Hợp quốc gọi là Năm châu phi với 17 quốc gia giành độc lập, biến Mĩ la tinh thành lục địa bùng cháy vào những năm 60-70 của thế kỉ XX. Với tầm vóc thời đại to lớn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Vậy nhân tố nào đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”? Trước hết, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là kết hợp của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia cùng nhau chung sức chống kẻ thù chung. Là biểu hiện của sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên, các nước dân chủ nhân dân, của nhân dân Pháp và lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới. Chiến thắng vĩ đại của thế kỉ XX đó, còn được kết tinh bởi công sức những con người nhỏ bé, nhưng kiên cường, dũng cảm: đó là anh dân công Ma Văn Thắng với kì tích chở hơn hai trăm kg hàng hóa trên chiếc xe đạp thồ, là anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hay anh hùng Tô Vĩnh Diện sẵn sàng xả thân mình chèn pháo. Lịch sử mãi ghi nhớ và biết ơn các anh, những người con anh dũng, kiên trung của dân tộc, không tiếc xương máu cho nền độc lập của tổ quốc.
|
Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
III. ĐIỆN BIÊN PHỦ SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN TỘC
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế của ta còn nhiều hạn chế; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nguy cơ hòa tan về mặt văn hóa khi hội nhập, chủ quyền an ninh quốc gia bị đe dọa vẫn còn hiện hữu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện sâu sắc trong các cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn Đảng, toàn dân ta tiếp thu những bài học quí báu từ chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Một là, kiên định sự lãnh đạo của đảng, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng; nhất là các chủ trương của đảng và nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa khu vực miền núi, biên giới. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội.
Hai là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; khơi dậy khát vọng tự cường của dân tộc Việt Nam. Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, chủ động, sáng tạo của toàn dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức mạnh dân tộc cần phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại.
Ba là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ngày càng hiện đại, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển đảo.
IV. TUỔI TRẺ TRƯỜNG THPT HIỆP HÒA SỐ 4 - TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG CỦA DÂN TỘC.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tuổi trẻ trường THPT Hiệp Hòa Số 4 đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tiếp bước truyền thống cha anh. Nhà trường và đoàn trường đã phát động phong trào thi đua học tập sâu rộng, lập nhiều thành tích hướng tới kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi gia đình có công với cách mạng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ…
Những hoạt động thiêt thực đó là sự tri ân, biết ơn của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu, của các vị tiền bối, lão thành đối với dân tộc. Chúng ta luôn ghi nhớ, tri ân các vị tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, đóng góp máu xương, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và các chiến công vĩ đại khác trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.
[1] Trích Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1991, tr. 14.
[2] Trích bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu.