Tiêu điểm :: 04/03/2025

Hiểu đúng về nhân quyền

(Bài truyền thông - Kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2024)


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến quyền con người của mỗi người dân Việt Nam. Cả cuộc đời Người luôn mong mỏi để mỗi người dân Việt Nam được hưởng những quyền con người như bao dân tộc hòa bình khác trên thế giới. Nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện trong bản “Tuyên ngôn độc lập”. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Người đã tuyên bố rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do mà đó còn là nền tảng cho sự phát triển của quyền con người.

        Thực hiện Kế hoạch số 170/KH-BCĐ ngày 31/10/2024 của Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Bắc Giang về việc triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 – 10/12/2024) và Kế hoạch truyền thông của trường THPT Hiệp Hòa số 4; với mục đích tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên, học sinh trong nhà trường về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, đấu tranh về quyền con người; góp phần ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực, bè lũ thù địch, phản động.

       Ngày 10 tháng 12 hàng năm được lấy để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Thế Giới. Đây là một dịp quan trọng để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và nhân phẩm con người. Ngày này cũng đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng khi vào năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, khẳng định các quyền cơ bản của con người mà tất cả các quốc gia đều cần tôn trọng.

       Từ đó đến nay, ngày Nhân quyền Thế giới được coi là một trong những văn kiện quan trọng nhất trong lịch sử bảo vệ quyền con người, Tuyên ngôn này tuy không có tính chất bắt buộc pháp lý nhưng đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người, từ quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, cho đến quyền tự do ngôn luận và quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội.

Với 30 điều khoản, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đã đặt nền móng cho các công ước quốc tế sau này như Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, hay các công ước bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động di cư… Chính nhờ sự ra đời của các văn kiện pháp lý này, quyền con người đã được quốc tế hóa và trở thành mục tiêu toàn cầu, được bảo vệ không chỉ trên lý thuyết mà còn trong thực tế qua các hành động cụ thể của các quốc gia. Một trong những thành tựu nổi bật trong việc bảo vệ quyền con người là sự tiến bộ trong việc chống phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

        Trong bối cảnh 76 năm qua, quyền con người đã có những bước tiến vượt bậc nhưng cũng không thiếu những thử thách mới. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Liên hợp quốc đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền. Các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ ở Việt Nam đã được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, hướng đến bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được bảo vệ trước sự phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp lý; ban hành nhiều văn bản Luật và Nghị định bảo vệ quyền lợi của các nhóm dân cư đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, và cộng đồng dân tộc thiểu số…

       Việt Nam cũng là quốc gia tham gia tích cực vào các công ước quốc tế về quyền con người nhằm tạo ra các cơ chế để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, như xây dựng các hệ thống giáo dục phổ cập, chống lao động trẻ em và chống xâm hại tình dục, chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc... Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong thời đại chuyển đổi số. Thúc đẩy và bảo đảm quyền giáo dục có chất lượng, trong đó bao gồm cả giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật. Đây là các lĩnh vực có nhiều thành tựu, có các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ LHQ 2023-2025. Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước từ trước tới nay.

       Ngày Nhân quyền Thế giới không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu mà còn là cơ hội để nhận thức rõ hơn về những nỗ lực bảo vệ quyền con người. Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới, việc tiếp tục duy trì và mở rộng các nỗ lực bảo vệ quyền con người là cần thiết. Việt Nam, với những thành tựu đạt được trong việc thực thi quyền con người, đã góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ nhân quyền toàn cầu và tạo ra một xã hội công bằng, dân chủ và nhân ái.

      Chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024) mỗi cán bộ giáo viên và học sinh của trường THPT Hiệp Hòa Số 4 - Bắc Giang luôn nâng cao hiểu biết, nhận thức về quyền con người và tích cực tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ quyền con người. Chúng ta hãy hành động vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân” (Trích Điều 3- Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền)./.


Trường - Văn phòng